Hoạt động chính trường Nghiêm_Xuân_Thiện

Sau khi tốt nghiệp Kỹ sư hóa học tại Đại học Cambridge (Anh), khi trở về nước, ông được chính quyền thực dân Pháp bổ nhiệm về công tác tại nhà máy nước Yên Phụ. Thời gian này, ông bí mật gia nhập và sinh hoạt trong nhóm Đại Việt Quốc dân đảng tại Hà Nội.

Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Ngày 5 tháng 9 năm 1945, ông được bổ nhiệm làm thành viên của Hội đồng cải cách của Trường Kỹ nghệ chuyên môn Hà Nội, có nhiệm vụ phác thảo một chương trình học mới trường.

Khi quân đội Trung Hoa Dân quốc tiến vào miền Bắc Việt Nam để giải giáp quân Nhật, thanh thế của Quốc dân Đảng được nâng cao. Ông chính thức công khai hoạt động với tư cách đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng (đo đảng Đại Việt bị cấm hoạt động), cùng với Nhượng Tống hoạt động trong ban Tuyên truyền, công tác tại tòa soạn nhật báo Việt Nam và tuần báo Chính Nghĩa của Việt Quốc. Ông cũng được cử là một trong 50 đại biểu Quốc hội khóa I của Việt Quốc không qua bầu cử. Ngày 8 tháng 6 năm 1946, ông được bổ nhiệm làm quyền Giám đốc Nha Khoáng chất và Kỹ nghệ khi ông Hồ Đắc Liên đi công tác.

Tuy nhiên, liên minh Quốc hội liên hiệp nhanh chóng tan vỡ kể từ khi quân đội Trung Quốc Quốc dân Đảng rút về nước. Các lực lượng Việt Quốc và Việt Cách bị trấn áp, nhất là trong Vụ án phố Ôn Như Hầu tháng 7 năm 1946. Tòa soạn báo Việt Nam và Chính Nghĩa tại 80 phố Quan Thánh cũng bị khám xét và niêm phong. Ông cùng một số đảng viên Việt Quốc trốn thoát và được quân Pháp che chở. Do đó, ông bị Tòa án quân sự tuyên án tử hình vắng mặt.[2]

Sau khi Toàn quốc kháng chiến nổ ra, quân Pháp kiểm soát hoàn toàn Hà Nội, khoảng tháng 3 năm 1947, ông cùng với một số đồng chí trở lại 80 phố Quan Thánh, thu thập lại các cơ sở cũ để tiếp tục hoạt động và phát hành nhật báo Trật Tự do ông làm Chủ nhiệm. Không lâu sau, nhật báo Trật Tự đổi tên thành nhật báo Thời sự. Một nhà báo hợp tác với ông trong thời kỳ này là ông Trần Trung Dung, một chính khách khá nổi tiếng trong chính trường Việt Nam Cộng hòa sau này.

Bấy giờ, nội bộ Việt Quốc xảy ra chia rẽ giữ 2 xu hướng chống Pháp và hợp tác với Pháp. Ông và nhiều đồng chí ngả theo xu hướng hợp tác với Pháp để chống lại Việt Minh. Ngày 17 tháng 2 năm 1947, ông và các đồng chí tích cực vận động cho tổ chức Việt Nam Quốc gia Liên hiệp do ông làm lãnh đạo bộ phận tại miền Bắc, ủng hộ Giải pháp Bảo Đại, thành lập chính quyền Quốc gia Việt Nam.